Giá vé máy bay cao nên chọn điểm du lịch gần
Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Thanh Hóa là điểm đến có doanh thu du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua với hơn 3.800 tỉ đồng, vượt xa TP.HCM và Hà Nội.
Cao tốc thuận lợi hơn
Trong năm ngày nghỉ lễ, ngành du lịch cả nước đã phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa bàn trọng điểm trên cả nước ghi nhận những tín hiệu tích cực, du lịch nội địa sôi động đặc biệt tại các điểm đến biển, đảo.
Du lịch nội địa sôi động, số lượng các tỉnh thành có doanh thu ngàn tỉ nhiều hơn cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu là Thanh Hóa với hơn 3.800 tỉ đồng doanh thu từ hoạt động du lịch, tiếp đó là TP.HCM có doanh thu đạt 3.235 tỉ đồng. Đứng thứ ba là Hà Nội khi thu về 2.500 tỉ đồng. Tiếp đó lần lượt là Quảng Ninh (hơn 2.200 tỉ đồng), Nghệ An (1.700 tỉ đồng), Đà Nẵng (1.336 tỉ đồng) và Khánh Hòa (1.306 tỉ đồng).
Về lượng khách, Thanh Hóa tiếp tục giữ vị trí quán quân với 1,5 triệu lượt khách, tăng hơn 27%. Đứng thứ hai là Quảng Ninh khi đón hơn 1 triệu lượt khách. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Khánh Hòa, TP.HCM, Nghệ An, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Tĩnh.
Lý giải về những con số “bùng nổ” du lịch trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, bà Vương Thị Hải Yến – phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa – cho biết đó là kết quả của việc xúc tiến, quảng bá du lịch sớm của địa phương thông qua các sự kiện du lịch và trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Thanh Hóa có bốn điểm du lịch biển nổi tiếng gồm Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa – Bãi Đông và Tiên Trang cùng nhiều điểm du lịch thú vị cho du khách lựa chọn, khám phá.
Ông Nguyễn Mạnh Cường – giám đốc Sở Du lịch Nghệ An – cho rằng có nhiều yếu tố giúp “du lịch Nghệ An thắng lớn”.
Thứ nhất do kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài năm ngày lại trùng vào những ngày nắng nóng cao điểm.
Thứ hai, việc giá vé máy bay tăng cao, một số tuyến bay thẳng chặng TP Vinh đi Nha Trang, Phú Quốc trước đây không còn duy trì nên nhiều người dân chọn du lịch nội tỉnh. Bên cạnh chọn biển Cửa Lò để giải nhiệt thì du khách cũng hướng đến các điểm đến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh.
“Nghỉ lễ nhiều ngày nên người dân làm ăn xa xứ đổ về. Cộng với việc giá vé máy bay cao nên du khách các tỉnh lân cận chọn địa điểm gần, di chuyển bằng xe cá nhân qua đường cao tốc giao thông thuận lợi hơn trước”, ông Cường nói.
Xu hướng đi xe, tàu hỏa
Mùa hè năm nay được dự báo với nhiều đợt nắng nóng kỷ lục, vì thế nhu cầu du lịch “giải nhiệt” được dự đoán sẽ tăng cao. Cùng với đó, sau dịch COVID-19, thói quen du lịch của người dân được điều chỉnh, chuyển từ các chuyến đi dài ngày sang chuyến đi ngắn ngày, chuyển từ đi xa sang đi gần với tần suất nhiều hơn sẽ thúc đẩy du lịch nội vùng phát triển.
Ông Bùi Thanh Tú, giám đốc marketing Best Price, nhận định trong mùa cao điểm du lịch hè 2024, các bãi tắm đẹp gần các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM sẽ là các điểm đến hút khách và đông đúc. Trong dịp lễ 30-4 vừa qua, doanh nghiệp ghi nhận tỉ lệ đặt phòng tại Hạ Long, Phan Thiết đều cao.
“Giá vé máy bay đang đạt mức cao trong mùa cao điểm hè và không có dấu hiệu hạ nhiệt nên người dân sẽ có xu hướng chuyển qua các điểm đến gần và có thể chủ động di chuyển bằng xe cá nhân, xe khách hoặc tàu hỏa.
Thêm vào đó, vốn dĩ vào mùa cao điểm các bãi biển đã đông đúc, nên khi lượng khách đi du lịch các điểm xa chuyển qua các điểm đến gần sẽ khiến các điểm du lịch này thêm náo nhiệt”, ông Tú chia sẻ.
Theo các chuyên gia du lịch, trong mùa cao điểm du lịch hè năm nay, người dân, du khách nên có kế hoạch từ sớm để đặt được các dịch vụ với mức giá hợp lý, bởi nhu cầu tăng cao giá dịch vụ có khả năng tăng cao nếu du khách đặt sát thời điểm khởi hành.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/gia-ve-may-bay-cao-nen-chon-diem-du-lich-gan-12468.html
Không có nhận xét nào