Độc đáo quần thể danh thắng núi đá ở Đà Nẵng
Những ngày này, dù thời tiết nắng nóng, danh thắng Ngũ Hành Sơn vẫn là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước.
“Nằm ven biển mà có núi đá, hang động tuyệt đẹp, cây cối xanh mát. Leo lên cao, phóng tầm mắt ra ngoài là biển khơi. Đúng nghĩa một bức tranh sơn thủy hữu tình” – chị Nguyễn Thị Lan Hương (du khách Hà Nội) chia sẻ.
Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết quần thể Ngũ Hành Sơn gồm những ngọn núi đá vôi mọc độc lập theo phương vị ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Điều đặc biệt là hang động Ngũ Hành Sơn thường ở trên các đỉnh núi cao, nên trong lòng động hầu như không có các cột thạch nhũ treo từ trên trần xuống hoặc mọc tua tủa. Ở đây, nóc động thường có những lỗ hổng thông với bên ngoài, vì vậy hang động rộng rãi, thoáng mát, nền thì bằng phẳng.
Cũng theo Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, nơi đây có rất nhiều tên gọi như Ngũ Uẩn Sơn (núi năm chòm), Phổ Đà Sơn, Bạch Hoa Ngũ Chỉ (năm ngón tay – vì nhìn từ trên cao thấy giống bàn tay khổng lồ ấn 5 ngón xuống đất).
Vào thế kỷ 19, vua Minh Mạng dựa vào cấu tạo năm ngọn núi theo phương vị ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là: Kim Sơn – Mộc Sơn – Thủy Sơn – Hỏa Sơn – Thổ Sơn.
Trong đó, Thủy Sơn là ngọn núi lớn và đẹp nhất, được nhiều du khách tham quan. Nơi đây có các ngôi chùa, di tích, cùng nhiều hang động… đẹp.
Vào năm năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, với diện tích gần 105ha.
Qua đó hướng đến 6 mục tiêu: Quản lý và bảo vệ danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, dịch vụ du lịch; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của Đà Nẵng và các địa phương lân cận để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/doc-dao-quan-the-danh-thang-nui-da-o-da-nang-12532.html
Không có nhận xét nào