Di tích quốc gia đặc biệt nơi có tháp cổ nghìn năm và nhiều bảo vật quý
Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng tọa lạc tại xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), cách trung tâm TP Bạc Liêu về phía Tây Bắc khoảng 20km. Xung quanh di tích là những cánh đồng lúa của người dân địa phương (Ảnh: CTV).
Đây là một trong những di tích về văn hóa, kiến trúc có tiếng ở Bạc Liêu. Trong đó có tháp cổ được Bộ Văn hóa – Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1992.
Đến tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích khảo cổ Vĩnh Hưng. Đây là một trong 2 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Bạc Liêu hiện nay. Di tích còn lại là Căn cứ Cái Chanh (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) (Ảnh: Huỳnh Hải).
Khu di tích nổi bật có tháp cổ Vĩnh Hưng (còn gọi tháp Trà Long hay tháp Lục Hiền) được cho có tuổi đời cả nghìn năm. Người đầu tiên phát hiện ra tháp vào năm 1911 là ông Lunet de Lajonquière (người Pháp).
Theo tài liệu của Ban quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu, tháp Vĩnh Hưng có niên đại từ thế kỷ IV sau Công nguyên và được tu sửa qua nhiều giai đoạn sau đó (từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII) thuộc nền văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo.
Tháp Vĩnh Hưng có diện tích bình diện khá lớn và được xây cao hơn 10m. Tháp có hình vuông, có bẻ góc phía trước và phía sau, có 3 lần bẻ góc đối xứng nhau cả phía trước lẫn phía sau. Kiến trúc tháp không giống như tháp Champa ở Trung bộ Việt Nam, tháp Vĩnh Hưng không xây giật cấp, xây trụ, cột giả, không có vết tích của các đồ án trang trí hoa văn bên ngoài cũng như trước cửa tháp, không có cửa giả ở các mặt lưng, mặt hông (Ảnh: Huỳnh Hải).
Kết cấu của móng tháp Vĩnh Hưng là sử dụng xen kẽ đá, gạch để chống sụp lún. Tháp được xây dựng trên nền đất yếu và việc sử dụng móng dàn trải trên một không gian rộng để chống sụp lún là một giải pháp hết sức thông minh của cư dân xưa, mà hiệu quả là sau hơn một ngàn năm tồn tại, độ lún của tháp không đáng kể.
Vật liệu kiến trúc của tháp chủ yếu là gạch, đá và ngói. Gạch có nhiều loại, nhiều kích cỡ nhưng phổ biến nhất là loại gạch hình chữ nhật (29cm x 15cm x 07cm; 30,5cm x 15cm x 07cm). Trong kết cấu tường tháp xuất lộ nhiều tảng đá ong, loại đá này đã được dùng trong các kiến trúc ở Gò Đồn (Long An), Bến Gỗ (Đồng Nai) (Ảnh: Huỳnh Hải).
Phía bên trong lòng tháp thờ biểu tượng Linga – Yoni. Đây là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo trong tín ngưỡng phồn thực của cư dân Óc Eo (Ảnh: Huỳnh Hải).
Tương truyền, trước khi hành lễ tế thần, chủ lễ sẽ tắm nước thơm lên biểu tượng Linga – Yoni. Nước thơm theo hệ thống đường dẫn ra bên hông tháp chứa tại 2 giếng thiêng. Cư dân Óc Eo lấy nước thiêng khoác lên người để mong nhiều sức khỏe, vạn vật sinh sôi, thịnh vượng, con cháu đầy đàn…
Đặc biệt, tháp cổ Vĩnh Hưng là một kiến trúc của nền văn hóa Óc Eo duy nhất còn sót lại tại miền Tây Nam bộ (Ảnh: Huỳnh Hải).
Nhiều năm qua, các nhà khảo cổ đã đến khảo sát và khai quật phát hiện một số hiện vật như đầu tượng thần, minh văn, bàn nghiền, Linga – Yoni…
Trong đó, có 5 hiện vật đã được công nhận là bảo vật cấp quốc gia gồm: Tượng nữ thần Laksmi, tượng thần Sadashiva, đầu tượng thần Siva, tượng nam thần, phù điêu nữ thần Uma bằng đá (sa thạch) (Ảnh tư liệu: Ban quản lý di tích Bạc Liêu).
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành tôn tạo di tích khảo cổ Vĩnh Hưng nhằm phục vụ cho nhu cầu của du khách đến tham quan du lịch và tìm hiểu thêm về văn hóa Óc Eo.
Nhà trưng bày trong khuôn viên di tích có diện tích khoảng 100m2. Trong đó, trưng bày một số hình ảnh, tài liệu và hiện vật theo 4 chủ đề: Đặc trưng vùng đất con người Bạc Liêu – Vĩnh Lợi; Những di tích khảo cổ học văn hóa Óc Eo ở Nam bộ; Di tích quốc gia tháp Vĩnh Hưng – Bảo vật quốc gia; Công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di tích tháp Vĩnh Hưng (Ảnh: Huỳnh Hải).
Sau khi được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích khảo cổ Vĩnh Hưng dự kiến được quy hoạch mở rộng 3-5ha. Trong lần kiểm tra mới đây, ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (giữa, hàng đầu) đề nghị ngành chức năng và địa phương có các phương án phù hợp nhất để thuận tiện cho việc phát huy giá trị của di tích này (Ảnh: CTV).
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/di-tich-quoc-gia-dac-biet-noi-co-thap-co-nghin-nam-va-nhieu-bao-vat-quy-14184.html
Không có nhận xét nào