Nhiều vật lạ bên trong căn biệt thự giữa rừng của “lãnh chúa miền Trung”
Nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn hiện có địa chỉ tại 110 đường Thiên Thai, phường An Tây (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Năm 1993, khu biệt thự sân vườn này cùng khu chứng tích Chín Hầm được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia.
Khu di tích biệt thự Ngô Đình Cẩn được giao cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế quản lý.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, công trình bị bỏ hoang trong suốt nhiều năm qua, không được đầu tư sửa chữa, khai thác, khiến cỏ cây mọc um tùm, nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp.
Vào tham quan nhà chứng tích, nhiều du khách tỏ ra tiếc nuối khi một công trình bề thế cùng đất sân vườn rộng lớn, nhiều cây cổ thụ bị bỏ hoang, không được khai thác, chăm sóc.
“Tại sao không trùng tu lại để làm điểm tham quan, giáo dục lịch sử cho các thế hệ trẻ, hoặc kêu gọi xã hội hóa, cho thuê bán cà phê cũng được, chứ để như này quá uổng phí”, một du khách sau tham quan nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn thắc mắc.
Theo thông tin trích dẫn, khu đất nhà Ngô Đình Cẩn trước đây thuộc về người có tên Bát Tấn (ở Sài Gòn), sau đó bán lại cho ông Bùi Duy Tín, một vị quan triều Nguyễn. Con cháu của ông Bùi Duy Tín tiếp tục bán lại khu đất cho thương nhân người Hoa Lý Lâm Tỉnh, ở đường Trần Hưng Đạo (thành phố Huế).
Năm 1956, dưới áp lực của Ngô Đình Cẩn, ông Tỉnh buộc phải nhường lại toàn bộ khu đất nói trên cho Cẩn.
Bên trong khu biệt thự 3 gian 2 chái của Ngô Đình Cẩn. Sau khi Ngô Đình Cẩn bị tử hình vào năm 1964, khu biệt thự trở nên hoang vắng.
Sau khi lấy được khu đất từ tay Lý Lâm Tỉnh, Ngô Đình Cẩn cho xây dựng tại đây 1 căn biệt thự 2 tầng bằng bê tông cốt thép, nhà thủy tạ, hồ khánh nguyệt, cổng vòm, suối đá, giếng nước và vườn cây ăn quả, biến nơi đây thành nơi nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.
Được anh trai là Ngô Đình Diệm (Tổng thống chế độ Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa từ 1955-1963) giao quản lý miền Trung và Tây Nguyên, ông Cẩn đến ở tại khu biệt thự nói trên để tiện theo dõi việc giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng ở khu Chín Hầm.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, bên trong các căn phòng của biệt thự rộng đến 450m2 này hiện có rất nhiều vật lạ không rõ ai để lại.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, cho biết sau khi tiếp nhận phản ánh, ông đã chỉ đạo đội ngũ bảo vệ quét dọn các vật thể lạ trong không gian di tích. Bảo tàng chưa xác định được những vật này là gì và do ai để lại, để từ thời điểm nào.
Về công tác bảo vệ, theo ông Lộc, đơn vị hợp đồng 3 người trông giữ cả khu nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn và di tích Chín Hầm. Do khu di tích Chín Hầm thường xuyên có khách đến tham quan hơn nên bảo vệ ưu tiên túc trực. Tại khu chứng tích Ngô Đình Cẩn, cơ quan quản lý đã tiến hành cắm cọc khoanh vùng bảo vệ và đã báo cáo chủ trương về việc cải tạo để đưa vào khai thác đến cấp có thẩm quyền.
Mái ngói trên nóc căn biệt thự bị vỡ vụn, đèn đường có bóng nhưng không có dây điện đấu nối, còn cửa hầm bí mật bên dưới ngôi nhà chứa đầy rác thải.
Nằm cách khu biệt thự Ngô Đình Cẩn khoảng 1km là khu chứng tích Chín Hầm, dưới chân núi Thiên Thai, thuộc thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế.
Năm 1941, thực dân Pháp xây dựng 9 căn hầm để cất giấu vũ khí.
Khi Ngô Đình Cẩn làm “lãnh chúa miền Trung”, ông ta đã cải tạo và sử dụng Chín hầm thành khu biệt giam những người yêu nước, người có tư tưởng chống đối chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô.
Tại khu di tích cấp quốc gia này cũng có khá nhiều hạng mục hoang hóa, cỏ cây mọc um tùm, 2 hồ nước trước đền thờ cạn nước, trơ đáy.
Ngô Đình Cẩn (1911-1964), là em trai của Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Theo các tài liệu lịch sử, khi được anh trai giao làm cố vấn miền Trung và Tây Nguyên, Ngô Đình Cẩn thực thi nhiều chính sách cai trị hà khắc, tổ chức trấn áp, vây bắt chiến sĩ cách mạng, người yêu nước và những người bất đồng chính kiến.
Ngô Đình Cẩn được người đời mệnh danh là “lãnh chúa miền Trung”.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/nhieu-vat-la-ben-trong-can-biet-thu-giua-rung-cua-lanh-chua-mien-trung-13856.html
Không có nhận xét nào